Không phải ngẫu nhiên mà nghề giáo được xem là nghề tạo ra những nghề khác trong xã hội. Bởi lẽ, nghề giáo là nghề cao quý vì họ mang trọng trách giáo dục kiến thức và đạo đức cho thế hệ trẻ.
Không giống các ngành nghề khác, nghề giáo thường đi kèm với sứ mệnh “trồng người”. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng, động lực cho học sinh trong những bước tiến quan trọng của cuộc đời. Có thể nói, người làm nghề giáo là những cá nhân quan trọng nhất trong xã hội. Bởi lẽ, sản phẩm của nghề chính là con người.
Nghề giáo đào tạo nhân lực cho xã hội
Từ cổ chí kim, nghề giáo là nghề “ươm mầm” tương lai cho đất nước, “kết trái” cho cuộc đời. Chúng ta thường ghi nhớ kiến thức được dạy từ khi còn bé và dần tích lũy để tạo nên sức ảnh hưởng đến xã hội. Thế hệ trẻ ngày nay đều có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai. Và giáo viên sẽ là người tạo dựng nên những cá thể hội tụ đầy đủ “Tâm – Tài – Tầm”, chủ nhân tương lai của đất nước.
Có ai thành công mà không có bóng dáng của người thầy? Dù chúng ta là ai, đang làm việc gì, thì cũng từng ngồi dưới ghế nhà trường và nhận được sự dạy dỗ từ thầy cô. Họ có khả năng định hướng các nhà lãnh đạo của tương lai theo cách tốt nhất cho xã hội. Chúng ta – các thế hệ kế cận sẽ học hỏi những tấm gương từ thế hệ trước và tiếp nối xây dựng một xã hội tích cực hơn, bất kể ở quy mô địa phương hay toàn cầu.
J.A.Comenxki – nhà giáo dục vĩ đại người Séc từng nói: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Nghề giáo dù là một công việc khó khăn, nhưng cũng là một trong những nghề tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn trong cuộc sống. Xã hội dẫu có hàng trăm nghề khác nhau, song nghề giáo vẫn luôn giữ vị thế đặc biệt quan trọng.
Nghề giáo mang lại thay đổi mới trong thời đại số
Công nghệ đã mở ra cánh cửa mới cho việc học và tạo ra những thay đổi cơ bản trong ngành giáo dục. Thực tế, giáo viên không còn là nguồn thông tin độc quyền của học sinh. Người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau trên Internet, học bất kỳ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ vai trò của giáo viên, mà ngược lại, giáo viên càng có cơ hội khẳng định mình trước nhiệm vụ mới.
Hiện nay, điều giáo viên truyền đạt mỗi ngày không còn là kiến thức cụ thể, vai trò mới của họ là hướng dẫn học sinh cách học. Họ có nhiệm vụ giúp đỡ học sinh nhận định về chất lượng và tính xác thực của các nguồn thông tin, biến dữ liệu thành kiến thức của mình. Đồng thời, giáo viên cũng tự “làm mới” mình bằng cách tận dụng khoa học công nghệ để mở rộng, cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên là người hướng dẫn, cố vấn và rèn luyện cho học sinh tư duy phản biện, đào sâu các ý tưởng và thực hiện hóa ý tưởng ấy. Họ tập trung vào việc tạo ra môi trường học kích thích sự sáng tạo cho học sinh, bước ra khỏi “ranh giới” của sách giáo khoa và khuôn mẫu chương trình giảng dạy cũ.
Nghề giáo, hơn cả vai trò giảng dạy
Nghề giáo, có thể nói là một nghề đa diện. Một nhà giáo hiện đại sẽ đóng vai trò nhiều hơn ngoài việc giảng dạy. Bởi lẽ, học sinh không chỉ quan tâm đến bài học nơi giảng đường mà còn chú ý theo dõi bài học cuộc sống xung quanh mình. Vì vậy, giáo viên không chỉ là người định hướng mà còn là người bạn, người thân trong gia đình luôn chia sẻ và dẫn dắt thế hệ trẻ.
Một người giáo viên tuyệt vời luôn có lòng trắc ẩn, thấu hiểu cuộc sống cá nhân của học sinh, đánh giá cao những mục tiêu và thành tích học tập của các em. Họ cũng luôn hiện hữu trong tâm thức học sinh mỗi khi các em gặp phải những vấn đề nan giải. Họ sẽ dành thời gian chia sẻ, động viên và nhen nhóm lại giấc mơ mãnh liệt trong mỗi người.
Hơn ai hết, họ dạy chúng ta có trách nhiệm về những thành công và thất bại. Giáo viên có tâm và có tầm sẽ không để những học sinh tài năng của họ bỏ cuộc khi chưa phát huy hết khả năng của mình. Họ có thể là một hình mẫu và là nguồn cảm hứng để chúng ta viết tiếp câu chuyện của tương lai.
Nghề giáo cung cấp sức mạnh cho giáo dục
Giáo dục chính là nền tảng để chúng ta xây dựng xã hội. Một nền giáo dục tốt, một ý thức giáo dục tiến bộ là điều vô cùng quan trọng trong mỗi quốc gia. Nếu không có giáo dục, đồng nghĩa không có sự lãnh đạo sáng suốt, không có hình mẫu lý tưởng để thế hệ trẻ hướng tới. Và hơn hết, chúng ta sẽ không có xã hội.
Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng có một giáo viên mà ta cảm thấy được truyền cảm hứng để học tập. Họ thường tìm cách để kết nối với học sinh, khuyến khích và thúc đẩy các em học tập hết mình. Sự nghiệp giáo dục là nhằm hình thành những con người hoàn thiện hơn, vì lẽ đó mà giáo viên luôn đồng hành cùng học sinh bất cứ lúc nào các em cần. Họ biết khi nào cần hỗ trợ và khi nào để học sinh tự tìm hiểu. Nhưng, họ sẽ không để các em bỏ cuộc.
Tựu trung lại, nghề giáo chính là biểu tượng cho những chuẩn mực đạo đức, một nhân cách sống tốt đẹp. Hơn thế nữa, họ luôn mang sứ mệnh cao cả, đó là truyền lại những hiểu biết mà mình có cho thế hệ sau nhằm đào tạo, nâng cao năng lực giúp ích cho xã hội. Họ “trao quyền” cho học sinh để các em tự tin bứt phá khỏi giới hạn của bản thân, có cơ hội được chứng minh và khẳng định mình.
Học tập là việc suốt đời và thầy cô là một phần không thể thiếu trong quá trình đó. Thầy cô dù dạy ở bất kỳ bộ môn nào, thì tất cả đều là những người có tầm ảnh hưởng với chúng ta, giúp chúng ta trở thành bản thể tốt nhất của mình. “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ hiểu rằng nghề giáo được đặt ở vị trí nào trong xã hội.
Khánh Ngân