Các môn học về nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc thường được xem là môn học phụ. Tuy nhiên, trên thực tế những môn này lại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các kỹ năng xã hội, góp phần tạo nên thành công trong học tập và công việc.
Các kỹ năng mà các môn học nghệ thuật cung cấp cho học sinh không chỉ là kỹ năng vẽ hay biểu diễn mà còn vượt xa hơn thế. Cùng khám phá học sinh sẽ học được những kỹ năng xã hội nào thông qua các hoạt động nghệ thuật nhé!
-
Nuôi dưỡng sự đồng cảm – một kỹ năng xã hội quan trọng
Đồng cảm là một kỹ năng quan trọng cho phép một người hiểu được cảm xúc của người khác. Nghệ thuật là một hình thức thể hiện tình cảm, và chúng phát triển sự đồng cảm ở học sinh qua hai phương thức: thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật.
-
Thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật
Nghệ thuật tạo ra phản ứng cảm xúc ở người xem. Chiêm ngưỡng một bức tranh, nghe một bài hát hoặc thưởng thức một buổi biểu diễn đều có thể tạo ra những phản ứng cảm xúc. Thay vì những tiết học nhiều kiến thức như toán, lý,… khi học sinh xem một buổi biểu diễn, các em có thể cảm nhận được những cảm xúc mà người trình bày tạo ra trên sân khấu.
-
Sáng tạo nghệ thuật
Khi học sinh sáng tạo nghệ thuật dù bất kể loại hình nào, họ đang được phát triển sự đồng cảm. Từ phác họa, vẽ một bức tranh đến thể hiện một bài hát, học sinh sẽ sử dụng cảm xúc của mình để nâng cao màn biểu diễn. Để làm điều này thành công và tạo ra tác động lớn nhất đến người xem, học sinh phải “liên hệ” với những gì họ đang cảm thấy. Đây là lí do mà nhiều trưởng học khuyến khích các học sinh tự mình hoặc tham gia đóng góp vào quá trình biên đạo, thiết kế tiết mục biểu diễn. Điều này giúp em tự sáng tạo nghệ thuật và thích thú với sản phẩm mình tự tạo ra thay vì chỉ biết làm theo chỉ dẫn của giáo viên.
Nghệ thuật là một công cụ tuyệt vời giúp học sinh cải thiện các hành vi trong xã hội và rèn luyện trí tuệ cảm xúc.
-
Tại sao sự đồng cảm lại quan trọng?
Các kỹ năng như kiên nhẫn, lắng nghe và hợp tác được phát triển thông qua sự đồng cảm. Một khi học sinh có sự đồng cảm, chúng đã được trang bị tốt và đủ sẵn sàng để hợp tác với mọi người và có thể đặt mình vào vị trí của người đối diện để thấu hiểu hơn. Những học sinh thông cảm với cảm xúc của người khác sẽ tỏ ra kiên nhẫn, biết lắng nghe những người xung quanh và như vậy việc hợp tác sẽ hiệu quả.
Đồng thời, sự đồng cảm làm học sinh cởi mở hơn và giúp tăng cường khả năng làm việc nhóm tốt hơn với các bạn cùng lớp vì giờ đây các em có thể nhận biết được cảm xúc của các bạn trong nhóm nhằm điều chỉnh cảm xúc của bản thân để hòa hợp trong tập thể.
-
Tăng cường khả năng trình bày, thuyết phục
Nghệ thuật như một thế giới mở ra nhiều khả năng cho học sinh. Nghệ thuật cho phép học sinh so sánh, tìm hiểu các quan điểm khác nhau về các chủ đề mới – cũ vì sự giải mã, giải thích các tác phẩm nghệ thuật tùy thuộc vào quan điểm, góc nhìn của người thưởng thức. Khi giáo viên cho tất cả các học sinh trong lớp nhìn một bức tranh, chắc chắn mỗi học sinh sẽ có một sự giải thích khác nhau về tác phẩm ấy.
Không có câu trả lời chính xác cho nghệ thuật vì nó tùy thuộc vào góc nhìn của từng đối tượng. Điều này cho phép những suy nghĩ của học sinh “vượt ra khỏi vùng an toàn”.
Khi học sinh chia sẻ quan điểm của mình và thảo luận những góc nhìn khác nhau của một tác phẩm nghệ thuật với các bạn trong nhóm, các em sẽ học được nhiều kỹ năng như kỹ năng hùng biện, làm việc nhóm, tư duy phản biện. Nhờ vậy, học sinh sẽ tìm thấy ở bản thân những khả năng mới và trau dồi nó để thành thạo hơn. Những hoạt động này không chỉ nâng cao tư duy của học sinh mà còn tăng động lực của các em trong việc học. Giáo viên hãy khuyến khích học sinh tư duy bên ngoài, sáng tạo và đừng giới hạn bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật, chỉ có như vậy học sinh mới có động lực để chia sẻ quan điểm của bản thân theo những cách mới và thú vị.
-
Phát triển khả năng giao tiếp và sự tự tin
Thông qua những phương tiện nghệ thuật đa dạng, học sinh sẽ học được nhiều cách giao tiếp khác nhau, họ có thể vẽ tranh, sáng tác bài hát hoặc bài thơ, tham gia diễn kịch,… để bày tỏ quan điểm của mình.
Tăng cường sự tự tin và hiểu biết về bản thân, nâng cao kỹ năng giao tiếp và cải thiện nhận thức là một trong nhiều lý do để dạy nghệ thuật, từ đó phát triển kỹ năng xã hội.
Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp và tăng cường sự tự tin đáng kể. Nghệ thuật mang đến cho tất cả các học sinh cơ hội để chia sẻ tiếng nói của mình, có thể là thông qua nghệ thuật thị giác hoặc nghệ thuật trình diễn. Thật thú vị khi có thể nhìn thấy học sinh phát triển và nuôi dưỡng khả năng giao tiếp thông qua các phương tiện nghệ thuật khác nhau.
-
Rèn luyện khả năng thích ứng
Thích ứng là khả năng rất quan trọng ở bất kì xã hội nào, thời đại nào mà mỗi học sinh cần phải trang bị vì các em thường xuyên phải đối mặt với những môi trường khác nhau. Kỹ năng thích ứng giúp cho học sinh luôn vững vàng và luôn trong tư thế sẵn sàng để đối mặt với bất kì tình huống khó khăn nào khi họ bước vào tuổi trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp của mình.
Khi xã hội ngày càng coi trọng cái đẹp, cái hay và chú trọng đến hình thức thì việc để học sinh sớm phát huy khả năng thẩm mĩ, học các môn nghệ thuật giúp các em dễ hòa nhập và thích ứng với môi trường sống.
Đôi khi, học sinh sẽ cần phải thích ứng khi tạo ra một bài hát, vẽ một bức tranh hay chụp một bức ảnh, v.v. Học sinh thậm chí cần phải ứng biến, nghĩa là tận dụng một cái gì đó bất ngờ hoặc không có kế hoạch, để điều chỉnh tác phẩm nghệ thuật của họ. Từ đó, học sinh sẽ được phát triển khả năng thích ứng với các tình huống hoặc vấn đề khác nhau mà các em có thể gặp phải trong suốt quá trình học và cuộc sống bằng cách sử dụng nghệ thuật.
Quá trình sáng tạo nghệ thuật cho phép học sinh đưa ra những ý tưởng và giải pháp độc đáo. Các em có thể đưa những suy nghĩ đó áp dụng vào cuộc sống hàng ngày hay những bài tập về nhà.
Nghệ thuật không chỉ là một phương tiện để giải tỏa căng thẳng mà học sinh còn có thể sử dụng những nó để xử lý tốt hơn bất kỳ tình huống hoặc vấn đề nào mà các em có thể gặp phải. Nếu học sinh đang gặp phải khó khăn, họ có thể chuyển những cảm xúc đó thành một loại hình nghệ thuật để giải tỏa căng thẳng, tìm ra những giải pháp mới,…
Bằng cách sử dụng nghệ thuật theo hướng này, học sinh có thể đối phó với tình huống, quản lý cảm xúc của mình và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
GIA KHÁNH