Mọi thứ đều phải thay đổi để thích nghi với điều kiện của thời đại mới nhưng tư duy dạy con của đại đa số phụ huynh vẫn bất di bất dịch: “Con của mình phải là người giỏi nhất”. Liệu tư duy này có còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay ?
Xuất phát từ sự lo lắng cũng như chịu ảnh hưởng từ nhiều quan niệm xưa cũ, phụ huynh thường đánh giá quá cao điểm số và hình dung quá nhiều về tương lai lý tưởng mà điểm số mang lại. Trên thực tế, thành tích học tập nổi bật, đậu đại học hạng TOP hay tốt nghiệp bằng giỏi không còn là điều kiện để một người trở nên thành công trong thời đại hiện nay. Điều này có nghĩa: “Đã đến lúc phụ huynh nên thay đổi tư duy dạy con”.
Những tư duy dưới đây sẽ hướng dẫn bố mẹ “không cần ép buộc con trở thành người giỏi nhất, con vẫn có thể thành công”:
Chấp nhận sự khác biệt
Mỗi con người là mỗi cá thể riêng biệt, không ai giống ai cũng như con của bạn không thể có khả năng giống như những gì bạn mong muốn. Muốn dạy con trẻ biết đồng cảm, bố mẹ hãy học cách trân trọng và tôn trọng con mình. Đừng biến chúng thành bản sao của mình lúc trẻ hay trở thành “con-nhà-người-ta”. Hãy nhìn vào những gì con bạn đang có.
Đừng cố gắng tô vẽ những nét màu mà bạn cho là tươi đẹp lên trang giấy trắng của con trẻ. Hãy để con chọn màu mà chúng muốn và tự hoàn thiện bức tranh của mình, còn bố mẹ sẽ là người đứng kế bên để gợi ý những chi tiết nhỏ điểm xuyết cho bức tranh ấy.
Theo TS Wendy Mogel, tác giả cuốn sách The Blessing of a B Minus, gợi ý nên tiếp cận con và sở thích của con như thể bạn là một nhà nhân chủng học văn hóa với sự tò mò, cởi mở hơn là phán xét. Ví dụ: Khi con bạn chia sẻ rằng muốn trở thành rapper chuyên nghiệp, thay vì gạt bỏ và giải thích với chúng đó là một nghề nghiệp không ổn định, không tương lai thì hãy hỏi con: “Mẹ tự hỏi con làm thế nào để trở thành rapper, mẹ thấy nó khá là phức tạp để hát như là một rapper, con sẽ làm gì để biến ước mơ của con thành hiện thực?”.
Mở rộng khái niệm về tư duy thành công
Điểm số cao, những lời khen ngợi, các giải thưởng hay đứng đầu trong danh sách trường lớp không phải là những yếu tố tiên quyết để giúp con bạn thành công. Vì vậy, chúng ta đừng lấy những thành tích của con trẻ để đo lường tương lai của chúng.
Nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học Adam Grant cho rằng các kỹ năng xã hội và cảm xúc, trong đó có sự hợp tác và đồng cảm người khác mới thực sự thúc đẩy thành công trong sự nghiệp.
Bạn có thể kể cho con nghe về câu chuyện truyền cảm hứng của các nhân vật nổi tiếng như Michael Dell, Bill Gates, Steven Spielberg, Mark Zuckerberg… vẫn thành công. Họ có thể không đứng đầu ở trường lớp, có thể bỏ học đại học nhưng họ biết nỗ lực cố gắng làm việc và đặc biệt theo đuổi đến cùng đam mê và con đường đã chọn.
Bạn cần thay đổi tư duy và cho con hiểu rằng, thành công không phải là đứng trên đỉnh cao danh vọng, có nhiều bằng đại học, không phải kiếm thật nhiều tiền mà thành công là chạm tới ước mơ mình đã ao ước, sống trọn với ước mơ và hạnh phúc khi đạt được điều đó.
Động viên, khuyến khích con vượt qua thử thách
Khi con chán nản, bỏ cuộc những bài toán khó hãy động viên con bằng cách giải thích cho chúng rằng trí thông minh không cố định, càng thử thách bản thân, não sẽ càng thích nghi. Đây không chỉ là lời động viên mà đã được chứng minh qua những nghiên cứu về tư duy phát triển của giáo sư tâm lý học của Đại học Stanford, Carol S.Dweck.
Một cách khác để động viên con vượt qua khó khăn chính là trấn an con rằng hầu hết ai cũng phải mất thời gian để học các kĩ năng, việc gặp thử thách sẽ giúp não bộ phát triển. Chẳng hạn khi con học cách lái xe hay cách thắt dây giày, ban đầu rất khó khăn, con thậm chí còn nổi cáu, nhưng trải qua một thời gian luyện tập công việc đó lại trở nên dễ dàng.
Đừng áp đặt sự hoàn hảo
Áp lực không lành mạnh bắt nguồn từ nhu cầu của bố mẹ, buộc con phải làm theo những gì mình kỳ vọng và điều này không phải là nhu cầu, sở thích của con trẻ. Nhiều trường hợp học sinh bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, các bệnh lý về tâm thần, trầm cảm và thậm chí một số trẻ tìm đến cái chết mà nguyên nhân là do chủ nghĩa tư duy hoàn hảo của phụ huynh.
Cách tiếp cận tốt hơn vừa khơi gợi động lực cho con vừa khiến con cảm thấy thoải mái, chủ động trong học tập chính là sự khuyến khích. Khuyên con nên đặt sự nỗ lực hợp lý tùy thuộc vào tầm quan trọng của nhiệm vụ.
Thay vì bắt con hoàn hảo, hãy thay đổi tư duy bằng việc đánh giá cao sự tiến bộ của các con. Khi con nói con được điểm 7 môn chính tả, hãy động viên con bằng những câu nói “Đó là bài làm tốt nhất của con” hoặc có thể tìm một môn học nào đó con đã đạt thành tích cao hơn bởi mỗi đứa trẻ có một thế mạnh và đừng bắt con “tất cả đều giỏi”.
Tìm những mục tiêu lý tưởng để thúc đẩy con
Với những đứa trẻ không nỗ lực nhiều trong các hoạt động và môn học ở trường, phụ huynh có thể khơi gợi, liên hệ cho con những gì con quan tâm nhất. Hãy giúp con hiểu rằng những môn học mà con không thích ở trường là phương tiện hữu ích, giúp con đạt được ước mơ của con.
Một đứa trẻ muốn trở thành nhà thiết kế thời trang sẽ cần phải có những kiến thức về mỹ thuật, toán học, kỹ năng sáng tạo và cụ thể hơn là năng khiếu vẽ. Một đứa bé khác muốn trở thành đầu bếp có thể coi trường học là không liên quan nhưng chắc chắn chúng sẽ làm tốt hơn nếu có kiến thức về khoa học, toán học và văn hóa học.
Muốn con thành công mà không bị áp lực, phụ huynh cần là người đầu tiên thay đổi tư duy. Tư duy dạy con đúng cách sẽ giúp con phát triển toàn diện, bố mẹ cũng sẽ yên lòng.
GIA KHÁNH