MỘT TUẦN TRƯỚC NGÀY TỰU TRƯỜNG, hai cánh cổng lớn vào Thành phố Giáo dục Quốc tế (IEC) ở phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi mở rộng cửa đón phụ huynh học sinh. Trong khoảng sân rộng rãi, hàng trăm bé trong độ tuổi học mầm non và mẫu giáo với sự hướng dẫn của người thân có ngày đầu làm quen với không gian ngôi trường mới. Không khí bỡ ngỡ ban đầu từ từ tan biến khi các bé tham gia các hoạt động như vẽ, tô màu, chơi trò chơi.
Sau 9 giờ sáng, phần lớn các học sinh vào lớp, trong khoảng sân lác đác một vài phụ huynh nán lại quan sát sự hòa nhập của con em trong ngày đầu tới trường. Trường mầm non quốc tế Saigon Academy là cơ sở đầu tiên trong bốn trường thuộc IEC Quảng Ngãi mới xây xong đi vào hoạt động.
Trong khuôn viên rộng 10 héc ta, bốn tòa nhà mới xây gắn với tòa nhà điều hành chính, bếp ăn chung và cụm sân vận động, hai hồ bơi chuẩn Olympic, hai sân tennis và một nhà thi đấu thể thao. Trong tòa nhà điều hành, có một thư viện, một phòng chiếu phim 80 chỗ và một hội trường sức chứa 500 người.
IEC là mô hình đầu tiên được doanh nghiệp Nguyễn Hoàng triển khai ở Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư 1.000 tỉ đồng. Năm học mới, bên cạnh trường mầm non Saigon Academy, hai trường phổ thông mang thương hiệu iSchool và UK Academy cũng đi vào hoạt động, với tổng số học sinh tại đây là gần 1.000 học sinh, theo thông tin từ Nguyễn Hoàng công bố.
Sau 20 năm hoạt động, Nguyễn Hoàng Group là doanh nghiệp tư nhân được xem là quy mô nhất trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Doanh thu năm 2018 là 4.000 tỉ đồng, theo thông tin tự bạch. Nguyễn Hoàng đang vận hành 50 cơ sở giáo dục ở 18 tỉnh, thành phố, đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 50.000 người học, từ bậc mầm non tới đào tạo sau đại học.
Tính đến tháng 7.2019, bốn trường đại học thuộc Nguyễn Hoàng Group gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Hồng Bàng, Gia Định, Hoa Sen thu hút gần 50.000 sinh viên theo học.
Hệ thống giáo dục phổ thông gồm ba thương hiệu iSchool, UK Academy và SNA đang đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 15.000 học sinh, trong đó 70% theo học tại 34 cơ sở ở 18 tỉnh, thành phố. Tám cơ sở của Saigon Academy thu hút 1.500 bé trong độ tuổi học mầm non.
Khoảng 5 năm trở lại đây, Nguyễn Hoàng tham gia nhiều thương vụ M&A trong giáo dục. Năm 2015, họ mua lại cổ phần đại học quốc tế Hồng Bàng. Năm 2018, họ mua lại đại học Gia Định, và sau đó là đại học Hoa Sen.
Nguyễn Hoàng là doanh nghiệp tiên phong đưa ra mô hình thành phố giáo dục, nơi tập trung đủ các dạng trường từ mầm non, phổ thông. “Trong 5 năm tới, Nguyễn Hoàng đặt mục tiêu sở hữu trên 150 cơ sở trường, 10 thành phố giáo dục, tiếp tục là người dẫn đầu thị trường giáo dục tư thục Việt Nam,” bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo, tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Group bày tỏ tham vọng.
Theo các số liệu thống kê, giữa năm 2019 có 2.955 cơ sở giáo dục ngoài công lập đang hoạt động trên cả nước. Xét về số lượng, giáo dục ngoài công lập chỉ chiếm 6,68%. Sự phát triển mất cân đối giữa loại hình công lập và tư thục có nguồn gốc từ lý do lịch sử.
Những năm 1980, hệ thống giáo dục tại Việt Nam gần như toàn bộ là khối trường công lập. Bước sang thập niên 1990, hệ thống giáo dục có thêm khái niệm trường ngoài công lập. Loại hình phổ biến nhất của trường ngoài công lập là trường bán công do trường được địa phương giao đất, hoặc cho thuê lại cơ sở vật chất với giá mang tính tượng trưng, trường được thu học phí của người học.
Phát triển tiếp trong giai đoạn hơn 10 năm, nhà nước có chủ trương xóa bỏ trường bán công, thực hiện giáo dục phổ cập bắt buộc đến cấp trung học cơ sở. Do vậy loại hình bán công đứng trước sức ép thay đổi, với hai sự lựa chọn: hoặc trở thành trường công, hoặc chuyển đổi sang loại hình tư thục
TỪ CHỖ ĐÁP ỨNG NHU CẦU người không đủ điều kiện theo học trường công lập, khối các trường tư thục bắt đầu thu hút sự quan tâm của gia đình học sinh khi đưa ra nhiều lựa chọn đáp ứng nhu cầu người học. Một trong các sức hút nổi bật của khối trường tư thục là chú trọng đào tạo toàn diện như tăng cường học tiếng Anh, các môn học ngoại khóa như nhạc, họa, thể thao cho học sinh.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các trường tư thục còn mạnh dạn áp dụng chương trình song ngữ tiếng Anh, vừa học theo khung chương trình quy định của bộ Giáo dục – Đào tạo, vừa học thêm các môn dạy bằng tiếng Anh như toán, khoa học, lịch sử, xã hội.
“Theo chương trình của bộ Giáo dục – Đào tạo nhưng tinh giản và du nhập chương trình đào tạo từ nước ngoài, chú trọng phát triển thể chất toàn diện,” thầy Phạm Nghi, phó tổng hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của IEC Quảng Ngãi mô tả.
“Trong 20 năm qua, Nguyễn Hoàng đã thử bước vào rất nhiều con đường khác nhau, từ công nghệ thông tin, đến đặt một chân vào con đường tài chính hay bất động sản. Tuy nhiên, những con đường đó đều không thuộc về mình. Giờ đây, niềm hạnh phúc nhất của bản thân tôi và lãnh đạo tập đoàn là tìm ra được con đường của mình: con đường làm giáo dục,” ông Hoàng Quốc Việt, chủ tịch Nguyễn Hoàng chia sẻ.
TỪ MẦM NON ĐẾN SAU ĐẠI HỌC
BẮT ĐẦU HỌC Ở BẬC MẦM NON, HỌC VIÊN CÓ THỂ HỌC TỚI SAU ĐẠI HỌC TRONG HỆ THỐNG NGUYỄN HOÀNG.
Thành lập năm 1999, ban đầu Nguyễn Hoàng là công ty kinh doanh phân phối máy tính, là đơn vị đầu tiên đưa ra mô hình bệnh viện máy tính ở TP.HCM. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dịch vụ sửa chữa, kinh doanh máy tính, họ lập trường nghề i-Space, sau này nâng cấp thành cao đẳng nghề i-Space.
Bước rẽ sang giáo dục của doanh nghiệp này vào năm 2008 với việc mở trường đầu tiên mang tên trường hội nhập quốc tế iSchool tại Rạch Giá, Kiên Giang. Chữ “I” trong tên trường vừa mang nghĩa quốc tế (International), vừa là dấu chỉ lịch sử của doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin.
Lúc đó, các trường song ngữ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, nên iSchool xuất hiện ở tỉnh miền Tây như Kiên Giang cung cấp thêm lựa chọn cho con em gia đình khá giả ở địa phương. Từ cơ sở đầu tiên ở Rạch Giá, iSchool mở rộng ra các tỉnh lân cận như Long Xuyên – An Giang (năm 2008), Long An, Quy Nhơn – Bình Định (năm 2009), Nha Trang – Khánh Hòa (năm 2010)…
Các nhà đầu tư tư nhân giáo dục như Nguyễn Hoàng phát triển đúng nhịp với chủ trương xã hội hóa giáo dục: giao đất miễn tiền sử dụng đất ở các địa phương, ưu đãi thuế 22% so với 28% (hiện nay là 10%, bằng một nửa so với lĩnh vực kinh doanh khác). “Tùy vào mỗi tỉnh có chính sách ưu đãi khác như cho vay không lãi suất, hoặc vay với lãi suất thấp,” bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo nói.
Xuất thân từ kinh doanh mở rộng sang lĩnh vực giáo dục, doanh nghiệp tư nhân có nhiều cách để giải quyết bài toán tài chính cho đầu tư xây dựng cơ bản. Ở TP.HCM có trường quốc tế từng đưa ra gói tài chính thu trước của phụ huynh 50.000 USD cho một học sinh, sau 12 năm sẽ được hoàn trả số tiền ban đầu. Sau khi hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất, họ ngưng gói tài chính này, cho dù nhiều phụ huynh tiếp tục hỏi để tham gia.
Hiện tại, ở Quảng Ngãi, IEC cũng có các gói giải pháp tài chính dài hạn để thu hút học sinh. Năm 2011, sau ba năm phát triển hệ thống iSchool ở các địa phương, Nguyễn Hoàng đưa vào vận hành trường mầm non Quốc tế Saigon Academy tại TP.HCM.
Năm 2015, sau bảy năm “vừa làm giáo dục, vừa tìm hiểu, vừa học về giáo dục,” Nguyễn Hoàng thực sự “xác lập con đường phát triển bằng giáo dục,” vì “càng đi sâu vào giáo dục, càng thấy phù hợp với tố chất của mình,” ông Việt mô tả về sự thay đổi mang tính bước ngoặt.
Nguyễn Hoàng nhanh chóng mở rộng cơ sở ở các tỉnh, thành phố. Tùy theo nhu cầu, điều kiện kinh tế – xã hội ở địa phương, Nguyễn Hoàng đầu tư mô hình khác nhau, chẳng hạn iSchool có giá tương đối phù hợp với số đông, cao hơn là UK Academy, hệ thống trường quốc tế song ngữ ra đời năm 2016, hoặc cao hơn nữa là trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA).
Nếu như UK Academy là thương hiệu do Nguyễn Hoàng lập ra, theo định hướng giáo dục hệ Anh, thì SNA – trường ra đời từ năm 2005 – do họ mua lại năm 2016 – được hiệp hội các trường cao đẳng và đại học miền Tây Hoa Kỳ kiểm định và là thành viên hội đồng Các trường quốc tế (CIS); ứng viên giảng dạy chương trình IB toàn phần.
Mở rộng hệ thống thông qua phương thức mua bán, sáp nhập (M&A) là cách Nguyễn Hoàng Group tăng tốc đầu tư vào giáo dục trong khoảng năm năm qua. Cuối năm 2015, Nguyễn Hoàng tiếp quản đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường đại học thành lập vào năm 1997.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên hiệu trưởng đại học Hồng Bàng kể lại, việc thương lượng, chuyển giao quyền điều hành đại học do ông sáng lập “diễn ra nhanh chóng trong vòng vài ngày.” Cũng theo phương thức này, lần lượt sau đó các trường đại học Gia Định, trường đại học Hoa Sen xuất hiện trong danh mục trực thuộc Nguyễn Hoàng Group.
HOẠT ĐỘNG TRÊN DIỆN RỘNG và sở hữu đa dạng các bậc đào tạo, Nguyễn Hoàng quản lý ra sao? “Tôi chỉ dừng ở trước cổng trường,” chủ tịch Nguyễn Hoàng nói một cách hình tượng về việc phân quyền.
Ban lãnh đạo Nguyễn Hoàng đưa ra định hướng phát triển, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cho các trường. Về chuyên môn họ thành lập hội đồng chuyên môn chung. Các trường, cụm trường như mô hình IEC có ban điều hành riêng và hội đồng chuyên môn riêng.
Hội đồng chuyên môn chịu trách nhiệm xây dựng chương trình tương thích với quy định của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như xây dựng các môn học, chương trình ngoại khóa phù hợp với định phướng phát triển “hệ sinh thái giáo dục,” như cách dùng từ của ông Việt.
Bên cạnh học tập kiến thức truyền thống, trước đòi hỏi phát triển kỹ năng toàn diện, Nguyễn Hoàng cũng đổi mới đưa các chương trình kỹ năng sống, âm nhạc, tài chính, giáo dục thể chất, STEAM… vào trường học. Họ chọn cách hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để cùng phát triển, chẳng hạn với Junior Achievement Worldwide (JA) để triển khai 10 chương trình tài chính – khởi nghiệp.
Mới đây Nguyễn Hoàng mời huấn luyện viên của CV9, học viện của cầu thủ bóng đá Công Vinh để đưa bóng đá vào học đường. “Tôi tin rằng với nỗ lực không mệt mỏi của tôi cùng học viện bóng đá CV9, với sự đầu tư vì con người của Nguyễn Hoàng Group, chương trình này sẽ mang lại giá trị to lớn cho học sinh, mà còn cho cộng đồng và xã hội,” cựu cầu thủ Công Vinh nói.
Để đào tạo học sinh, sinh viên có đủ kỹ năng để hội nhập quốc tế, theo lời thầy Nguyễn Tân Cảnh, phó tổng hiệu trưởng thường trực IEC Quảng Ngãi, giáo viên cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, kỹ năng của thời hội nhập như ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy. Dựa trên bộ khung là các nhà quản lý giáo dục nhiều năm kinh nghiệm, đội ngũ giáo viên được tuyển chọn kỹ từ những người trẻ.
Thầy Phạm Nghi cho biết trong đợt đầu tuyển chọn giáo viên cho IEC Quảng Ngãi, 600 hồ sơ, họ tuyển được 30 người. Ba tố chất chính được xác định trong quy trình tuyển chọn gồm: sáng tạo, mong muốn học hỏi và tư duy phản biện.
Thầy Nguyễn Tấn Cảnh bổ sung thêm: “Bản thân giáo viên phải tự đào tạo là chính. Tổ chức có nhiệm vụ tạo động lực, định hướng phát triển rõ ràng để giáo viên có thể gắn bó lâu dài.”
Trong những năm gần đây, các trường đại học của Việt Nam bắt đầu thực hiện việc kiểm định chương trình, kiểm định trường của bộ và của khu vực. Ở khối giáo dục phổ thông, ngoài một số trường tư đào tạo, cấp văn bằng được quốc tế công nhận nên phải qua kiểm định, một số trường cũng chuẩn bị làm quen với các quy chuẩn quốc tế, tiến tới kiểm định chương trình, kiểm định trường.
Cũng như các đơn vị giáo dục khác Nguyễn Hoàng đứng trước thử thách chung khi thị trường lao động – nơi tiếp nhận các sản phẩm của hệ thống giáo dục – mở cửa cho lao động trong cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Trong năm học 2019-2020, Việt Nam có khoảng 23,5 triệu học sinh, sinh viên. Trong hình dung của ông Hoàng Quốc Việt, năm nay 48 tuổi và có hơn 10 năm gắn bó với giáo dục, các trường dưới sự điều hành của ông sẽ phát triển nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu, điều kiện kinh tế – xã hội của các địa phương hay các ngành mà cơ sở giáo dục có lợi thế, như đại học quốc tế Hồng Bàng có các lợi thế đào tạo một số ngành nghề như chăm sóc sức khỏe, kinh tế.
Đại học Hoa Sen mạnh về quản trị nhà hàng, du lịch… còn đại học Bà Rịa – Vũng Tàu đáp ứng nhu cầu của địa phương. “Xét theo khả năng tài chính, có những trường hoàn toàn theo chương trình Việt Nam, học phí vừa phải, có trường hoàn toàn quốc tế, học phí cao,” ông Việt nói.
Nguyễn Hoàng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2019 – 2024 sẽ sở hữu và vận hành 150 cơ sở giáo dục. Mô hình IEC sẽ tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác. “Chúng tôi đang triển khai IEC Đắk Lắk vào cuối năm nay,” ông Việt nói.
Nguồn lực nào để Nguyễn Hoàng có thể phát triển các dự án quy mô hàng chục héc ta như vậy? Đầu tiên phải nhắc tới nguồn vốn tích lũy của tập đoàn, khi các cổ đông chính chiếm hơn 90% cổ phần doanh nghiệp có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng này, gần như 10 năm qua chấp nhận không được chia cổ tức và kế hoạch 10 năm tới cũng không chia cổ tức, theo ông Việt.
Trên thực tế, Nguyễn Hoàng triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng cơ bản. Sau khi tiếp quản Hồng Bàng, công trình xây dựng tòa nhà đại học Hồng Bàng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh được đẩy nhanh tiến độ và đi vào hoạt động tháng 4.2017. “Đây là giấc mơ thời xa xưa mà tôi không thực hiện được,” nguyên hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói với Forbes Việt Nam trong dịp khánh thành tòa nhà 21 tầng được thiết kế theo hình dáng con tàu.
Một yếu tố khác là sự gắn bó lâu dài của phụ huynh học sinh. Ngoài việc tích lũy thì Nguyễn Hoàng Group còn đưa ra nhiều gói đầu tư học phí cho phụ huynh với nhiều chính sách ưu đãi (trả trước học phí 5 năm, 6 năm và 12 năm). Theo chủ tịch của Nguyễn Hoàng Group, vẫn có gia đình sẵn sàng tham gia các gói sản phẩm tài chính 12 năm hay 17 năm, nếu học từ mầm non.
“Muốn làm được như vậy, quan trọng là xây dựng được niềm tin với người học, với phụ huynh,” ông Đỗ Mạnh Cường, phó tổng giám đốc phụ trách hệ thống K-12 của Nguyễn Hoàng Group nói.