Đánh giá về tình hình phát triển du lịch TP. HCM hiện tại, ThS. Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Trong 3 năm qua, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng với đốc độ nhanh từ 10 triệu lượt năm 2016 lên 15,5 triệu lượt năm 2018. Cùng trong dòng chảy, TP. HCM tăng từ 5,2 triệu (2016) đến 7,5 triệu lượt (2018). Tăng trưởng nhanh vừa là tín hiệu tốt, vừa đặt ra những thách thức trong công tác quản lý Nhà nước và kinh doanh du lịch”.
Liên kết “3 nhà”: nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp
PV: Một trong 5 vấn đề TP. HCM đang tập trung triển khai thực hiện từ năm 2018 là liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là tính đồng bộ, vậy Sở Du lịch TP. HCM đã có những chính sách gì để giải quyết vấn đề trên?
– ThS. Bùi Tá Hoàng Vũ: Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian qua, Sở Du lịch đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao theo nhu cầu xã hội, trong đó tập trung phát huy vai trò liên kết giữa 3 nhà “ Nhà nước (cơ quản nhà nước về du lịch) – Nhà trường – Doanh nghiệp” nhằm tăng cường sự gắn kết. Trong đó cơ quan quản lý Nhà nước phát huy vai trò xúc tác, bằng nhiều hình thức để tạo cơ hội tiếp xúc gặp gỡ, kết nối đôi bên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng mô hình “doanh nghiệp trong nhà trường, nhà trường trong doanh nghiệp”, liên kết giữa nhà trường và nhà trường để đưa ra những chương trình chuẩn hóa, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Trong tháng 4/2019, Sở Du lịch sẽ phối hợp với ĐH Hoa Sen tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần) với sự quan tâm của lãnh đạo nhà nước cấp cao.
Du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường
PV: Theo ông cần có những chính sách nào để ngành Du lịch Việt Nam đáp ứng những yêu cầu mà cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra?
– ThS. Bùi Tá Hoàng Vũ: Ngành Du lịch toàn cầu có xu hướng tăng trưởng tốt trong cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai. Cùng với chủ trương phát triển kinh tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội kinh doanh chưa từng có. Do đó, ngành Du lịch cần có những giải pháp phù hợp để tận dụng tối đa lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng với những lộ trình và bước đi cụ thể không phải là chuyện riêng của doanh nghiệp du lịch mà rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước với những chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành du lịch sẽ chủ yếu do các doanh nghiệp và các cơ sở cung cấp dịch vụ phát triển dựa trên nhu cầu thực tế với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Ngành Du lịch phải thay đổi cách tiếp cận du khách, trong xây dựng và cung cấp sản phẩm du lịch cho du khách hướng tới xây dựng du lịch thông minh. Trong đó có một số sản phẩm cụ thể cần được chú trọng đầu tư như du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường; hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; thẻ du lịch đa năng và phần mềm thuyết minh du lịch tự động…”
Sở Du lịch TP. HCM cũng xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TP. HCM nói riêng. Sở cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và chỉ đạo, điều hành của ngành, hướng tới xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh. Trung tâm này được tích hợp với Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Thành phố.
NGỌC TRANG