Tin tức
21/08/2021

TS. Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng GDU: “Chỉ có giáo dục mới thay đổi được vận mệnh cả dân tộc”

TS. Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (GDU), cho biết đổi mới và sáng tạo trong giáo dục là rất cần thiết trước những thách thức mà Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đại địch Covid đã đặt ra cho giáo dục đại học.

“Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT là một bước tiến mới quan trọng trong lộ trình đổi mới và phát triển giáo dục hướng tới chất lượng của các trường đại học khi các quy định về phát triển chương trình, đảm bảo chất lượng, và kiểm định được quy định cụ thể và thống nhất. Thông tư là căn cứ pháp lý quan trọng trong lộ trình chuẩn hóa, tối ưu, và đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm giáo dục, tiếp cận đa dạng người học, tối ưu hóa mô hình vận hành và chuyển đổi số trong bối cảnh CMCN 4.0 và đại dịch Covid đặt ra những thách thức to lớn cho giáo dục đại học.

TS. Ngô Minh Hải

TS. Ngô Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định

Điểm đột phá chính trong thông tư 17/2001/TT-BGDĐT đó là quy định cụ thể mục tiêu của chương trình đào tạo phải nêu rõ được kỳ vọng của cơ sở đào tạo về năng lực và triển vọng nghề nghiệp của người tốt nghiệp gắn với sứ mạng, tầm nhìn chiến lược phát triển, cũng như nhu cầu xã hội (Điều 4); bên cạnh đáp ứng khung trình độ quốc gia Việt Nam, phải căn cứ vào thực tiễn, và tham khảo, đối sánh với Chương trình Đào tạo của các nước hoặc tổ chức quốc tế có liên quan (Điều 12). Và hơn hết, một chương trình đào tạo đạt chuẩn phải được thiết kế rõ ràng thiết thực, kết quả đo lường được, nhất quán, liên thông và khả thi (Điều 5). Như vậy, các trường đại học thiết kế Chương trình đào tạo có một hành lang tương đối mở khi tiếp cận các xu thế và công nghệ mới trong giáo dục đại học trên thế giới, nhưng vẫn có căn cứ pháp lý và lộ trình thích hợp để đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù tại Việt Nam.

Tuy nhiên trong thực tiễn, vẫn còn những thách thức không nhỏ không chỉ đến từ sự thay đổi của công nghệ, môi trường giáo dục, định hướng chiến lược và năng lực cụ thể của các trường, và ngay cả bản thân chính sách, cũng phải linh hoạt và có hành lang mở cho những đổi mới mang tính sáng tạo.

Charles Fadel[1], Giám đốc trung tâm tái thiết chương trình, Đại học Havard, trích dẫn từ năm 2018 một trích dẫn phổ biến trên mạng xã hội Youtube thời điểm 2008: “Chúng ta đang chuẩn bị sinh viên cho những ngành nghề và công nghệ mà chưa từng xuất hiện, … dùng để giải quyết những vấn đề mà chúng ta vẫn chưa từng nghĩ chúng là vấn đề[2]” để nhấn mạnh rằng, cách giảng dạy theo kinh nghiệm, khuôn mẫu đang đẩy sinh viên của chúng ta ra đời với những chuẩn kiến thức được đóng khung từ trước đó 3, 4 năm; với niềm hy vọng duy nhất là tầm nhìn xa, trông rộng của các “chuyên gia thiết kế”. Năm 2005 không thể dự báo được Covid năm 2019 với nhu cầu bùng nổ của nhân lực ngành y tế, nhưng những dự báo từ năm 2000 về bùng nổ công nghệ và thực tế ảo lại chỉ xảy ra khi khủng hoảng lan rộng trên toàn cầu.

TS. Ngô Minh Hải

Lộ trình đào tạo đại học cần đổi mới, sáng tạo để tiếp cận đa dạng người học bối cảnh CMCN 4.0 và đại dịch Covid

May mắn thay, công nghệ giáo dục không đi theo lối mòn tư duy, và áp lực của người học đòi hỏi các hệ thống giáo dục phải chuyển mình tương ứng. Thay vì tập trung vào kiến thức và bó hẹp trong phạm vi nhà trường, xã hội hóa giáo dục và hợp tác sâu rộng giữa nhà trường và doanh nghiệp đã xóa nhòa khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn: nhiều mô hình giáo dục đã chứng minh được tính hiệu quả như đại học nghề (vocational university); đại học ứng dụng (university of applied science); đại học trực tuyến (cyber university), đại học chia sẻ (shared university) … đáp ứng yêu cầu của đại đa số người học. Mà trong đó, tư duy kỹ năng (sáng tạo và học tập suốt đời; kỹ năng sống và nghề nghiệp; thông tin, truyền thông và công nghệ); kinh nghiệm thực tiễn (học kỳ doanh nghiệp; kiến tập thực tập); và kiến thức tích hợp (liên thông bậc, hệ, liên ngành, song ngành, rộng – chuyên sâu, chính phụ) là các xu thế chính giúp người học có năng lực nhận biến vấn đề, sáng tạo tìm ra giải pháp, và bản lĩnh biến nguy thành cơ để thành công.

Cũng giống như các doanh nghiệp taxi trước đây, vị thế độc quyền về bến bãi cùng với số lượng xe là rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường, nhưng khi Grab và Uber thâm nhập vào Việt Nam và cạnh tranh bằng một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới và lợi thế công nghệ vượt trội, các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dần dần cay đắng nhận ra rằng, Top 1 không phải thuộc về doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, mà chính là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhất và đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nếu chỉ nhìn vào thị phần hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm tại Việt Nam, thị trường quá nhỏ và chỉ dành cho một số lượng trường đại học giới hạn. Nhưng nếu mở rộng ra nhu cầu học tập của gần 20 triệu người trong độ tuổi lao động; hoặc nhu cầu của các nước lân cận hoặc quốc tế, thị trường rộng mở rất nhiều. Tuy nhiên, việc thiết kế và triển khai các sản phẩm phù hợp cho các đối tượng khách hàng này đòi hỏi nỗ lực lớn về sáng tạo, và nhiều khi, phải thay đổi cả tầm nhìn, sứ mệnh và mạnh dạn xóa bỏ di sản, thay vì lợi thế lại trở thành gánh nặng cho đổi mới.

Trong cuốn sách best seller “Thời kì hậu Corona”, tác giả nổi tiếng Scott Galloway chỉ ra “thế lưỡng nan của nhà quản lý”, khi cố gắng hệ thống hóa và kiểm soát mọi thứ bằng luật lệ. Tuy nhiên, cách làm này chỉ dẫn đến hệ quả là nhà quản lý luôn cố gắng giữ mọi thứ “an toàn”; “không chấp nhận sáng tạo ngoài khuôn khổ”; và tốn rất nhiều chi phí cho việc “tìm và diệt”, hoặc tư duy “cái gì quản không được thì cấm”. Thực ra, thế giới này vận hành rất đơn giản thông qua các quy luật hợp lý, và các nhà lập pháp cũng có cơ chế rất hay đó là “luật” và “lệ”, khi những “lệ” được khuyến khích và thử nghiệm trong môi trường kiểm soát, các bài học rút ra sẽ rất có giá trị và có thể được chuẩn hóa thành luật. “Luật” cho chuẩn hóa; “Lệ” cho cải tiến tối ưu, và hành lang pháp lý mở cho đổi mới sáng tạo sẽ giúp cho các nhà quản lý vượt qua thế lưỡng nan và ủng hộ những sáng tạo đúng đắn.

TS. Ngô Minh Hải

TS. Ngô Minh Hải Phó Hiệu trưởng GDU (đứng ngoài bìa bên trái) tại chương trình ký kết MOU giữa GDU với các doanh nghiệp

Như vậy đâu là điểm đột phá cho đổi mới giáo dục và đào tạo? Công nghệ? Rất khó để dự báo chính xác tương lai; Chính sách? Luôn có độ trễ vì mục tiêu của chính sách là ổn định, không phải thử nghiệm. Như vậy trách nhiệm chính phải đến từ các trường đại học, nơi luôn được xem là trung tâm về nghiên cứu (hàn lâm hoặc ứng dụng) để dự báo, phát minh, và kiến tạo tương lai. Rất khó để các trường đại học thay đổi tầm nhìn, sứ mệnh (vì giá trị của giáo dục tính bằng trăm năm); nhưng họ có thể thay đổi chương trình đào tạo, thay đổi phương pháp dạy và học, thay đổi chất lượng dịch vụ sinh viên, cải tiến quy trình kiểm soát chất lượng; và hơn hết, nâng cao chất lượng đội ngũ và đổi mới sáng tạo hướng đến người học. Nhưng trước hết, đổi mới phải đến từ tư duy, dám nghĩ và thử nghiệm, trước khi dám làm.

Bởi vì chỉ có giáo dục mới thay đổi được vận mệnh cả dân tộc!”

Nguồn: TS. Ngô Minh Hải

Ngô Minh Hải từng tốt nghiệp Tiến sĩ lĩnh vực Tài chính hành vi tại Trường Uni-Trier, CHLB Đức (2016). Ông thành thạo tiếng Anh, tiếng Đức, có nhiều năm trải nghiệm giáo dục đại học tại nhiều trường lớn như: Đại học Trier, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH),…

Ngô Minh Hải đang là cố vấn chuyên môn cho Songhan Incubator – vườn ươm khởi nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, là Chủ biên cuốn sách “Startup Journey – Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nhân Việt”. Thế mạnh của TS. Ngô Minh Hải là các hoạt động tư vấn đổi mới sáng tạo, tư vấn chiến lược, tư vấn tối ưu vận hành… cũng như khả năng kết nối sâu rộng với doanh nghiệp và thực tiễn.

“Tâm nguyện lớn nhất của tôi chính là có thể xây dựng một mô hình giáo dục đại học thực sự dành cho tất cả mọi người; khi thực tiễn, ứng dụng, và trải nghiệm luôn là người thầy tốt nhất. Khi đại học trao lại quyền lựa chọn và khuyến khích tự do sáng tạo, chính người học sẽ tìm ra con đường học tập tốt nhất để trở thành phiên bản hoàn hảo của chính mình” – TS Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định chia sẻ.

 

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

4 kỹ năng tuyệt vời giúp học sinh sử dụng ChatGPT hiệu quả

Sự ra đời của ChatGPT đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục toàn cầu. Các trường học băn khoăn liệu họ nên cho phép hay cấm ChatGPT, giáo viên – những người có thể sử dụng nó để hỗ trợ soạn giáo án – tự hỏi liệu họ có nên cho phép […]

HIU tổ chức chuyên đề Đột quỵ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam

Trong khuôn khổ buổi lễ chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đã tổ chức buổi tổ chức toạ đàm chuyên đề: “Đột quỵ và những điều cần biết” với sự chia sẻ của Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Khiên – Bệnh viện 115, TP.HCM. Các […]

ISERS rinh “mưa” huy chương trong các Kỳ thi Toán Quốc tế

Trong năm học 2021-2022, các học sinh thuộc hệ thống trường Hội nhập Quốc tế iSchool đã nỗ lực đạt được hàng loạt các thành tích tại các kỳ thi Toán Quốc tế.   Tại kỳ thi Toán Quốc tế Kangaroo (IKMC) –  kỳ thi Toán có quy mô lớn nhất thế giới – với […]

Cô giáo trẻ Trần Ngọc Thiên Trang: “Tôi tự hào góp phần ươm những hạt giống tại iSchool Quảng Trị” 

 Là một giáo viên trẻ của iSchool Quảng Trị, với sự tận tâm và lòng yêu nghề, cô Trần Ngọc Thiên Trang đã truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh và được các phụ huynh, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng.  iSchool Quảng Trị – Ngôi trường đầu tiên của Thiên Trang iSchool […]