Xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy giáo 9X Nguyễn Hoài Ân – giáo viên ngữ văn (IEC Quảng Ngãi) chọn nghề giáo với khát vọng thực hiện các sứ mệnh giáo dục cao cả.
Cuộc sống hiện đại với vô số cơ hội việc làm mở ra cho người trẻ. Có những người theo đuổi những đam mê mới với những ngành nghề “hợp thời”. Song cũng có những bạn trẻ, mãi trung thành với sự lựa chọn từ bé của mình – nghề giáo.
Những ước mơ giản dị
Từ thuở bé, thầy Hoài Ân đã mơ ước được làm thầy giáo và luôn mong muốn một ngày được đứng trên bục giảng. Với thầy, niềm hạnh phúc trong suốt những năm tháng dạy học là được nhìn thấy các em học sinh trưởng thành và hiểu biết hơn mỗi ngày.
Người ta vẫn nói, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Chính ở bục giảng, người thầy có thể truyền đạt được những kiến thức bổ ích, góp phần tạo nên tương lai tương đẹp cho những thế hệ học trò. Sứ mệnh ấy thôi thúc người trẻ như thầy Ân nỗ lực để theo đuổi nghề dạy học.
Ngoài danh xưng “nghề cao quý”, học sinh cũng là một trong những lý do chính khiến thầy Hoài Ân chọn nghề. Anh chia sẻ, nghề giáo cũng như công việc trồng cây, từ lúc chỉ là những mầm non cho đến ngày ra hoa kết trái là một quá trình gian nan và đầy thử thách nhưng sẽ vô cùng hạnh phúc vì những quả ngọt đã tạo ra: “Tôi không chọn nghề giáo để làm giàu về vật chất, tôi chọn nghề giáo để làm giàu về tâm hồn”.
Người thầy đại diện cho thế hệ giáo viên 4.0
Muốn trở thành giáo viên giỏi trong kỉ nguyên số và đáp ứng được nhu cầu giáo dục ngày càng tăng cao của xã hội, những người thầy phải không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo động lực cho học sinh. Người thầy hiện đại có hầu như đầy đủ các kỹ năng như: kỹ năng sáng tạo, kỹ năng sử dụng và ứng dụng công nghệ trong dạy học, kỹ năng phản biện,… Và Hoài Ân là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ giáo viên thời 4.0.
Trong thời gian dạy học tại UKA – IEC Quảng Ngãi, thầy Hoài Ân đã ứng dụng và sáng tạo nhiều phương pháp mới trong dạy học môn Ngữ văn như: phương pháp làm mô hình văn học; ôn tập, luyện tập qua việc thiết kế tranh thông tin Infographic; dự án sân khấu hóa văn học; học văn bằng âm nhạc; nghiên cứu khoa học, thuyết trình, hùng biện, phản biện… theo các chủ đề, đề tài môn học.
Dù thay đổi nhiều phương pháp học khác nhau nhưng thầy Ân vẫn giữ được nét đặc trưng và giá trị cốt lõi trong các tác phẩm văn học. Do đó, ngoài việc tăng sự hứng thú và rèn luyện các kỹ năng cho học sinh, những phương pháp học mới vẫn giúp các em tiếp nhận kiến thức một cách đầy đủ nhất.
Thầy Ân cho rằng: “Ngữ văn là một trong những môn cũng có thể gọi là đặc thù. Để học tốt Ngữ văn bản thân người học cũng phải có một chút gì đó năng khiếu về thẩm mĩ, tư duy ngôn ngữ và khả năng sáng tạo. Do vậy, đối với những học sinh không có thế mạnh đó thì việc học và tiếp nhận môn Ngữ văn khá khó khăn.”
Với những trăn trở đó, ngoài những giờ giảng dạy tại trường, thầy luôn chủ động tìm tòi và ứng dụng những phần mềm, công cụ hỗ trợ cho việc dạy học được tốt hơn. Thầy giáo 9X cũng tìm hiểu các nguồn kiến thức và nghiên cứu những phương pháp dạy học mới để kích thích sự hứng thú và truyền đam mê văn học cho học sinh.
Vai trò của giáo viên trong thời đại mới
Trong giai đoạn công nghệ bùng nổ mạnh mẽ, thầy Nguyễn Hoài Ân cho rằng giáo viên phải là người dẫn đầu, tức là định hướng nội dung thông tin và các nguồn tư liệu để hướng dẫn cho học sinh tìm kiếm. Những thông tin trên internet giúp ích cho quá trình học cho học sinh nhưng cũng cũng dễ khiến các em hiểu sai vấn đề vì sự dày đặc và nhiễu loạn.
Ngoài ra, người thầy cũng phải tự bồi dưỡng kiến thức, bắt kịp với sự phát triển của công nghệ để chủ động hơn trong việc áp dụng các phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm trong việc dạy học. Chính những thầy giáo như Hoài Ân là nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp dạy học. Nghề dạy học không hề nhàm chán, cũng không hề “lạc hậu” nếu bạn biết thay đổi và sáng tạo trong cách dạy.
GIA KHÁNH