Ngày 16/10, “Diễn đàn Hợp tác và Đầu tư trong giáo dục” do Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trì, phối hợp với Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng và Trường Đại học Văn Lang tổ chức tại TP.HCM. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn đã thu hút hơn 200 khách mời là lãnh đạo Bộ giáo dục và các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Giáo dục và đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở GDĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số Tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán tại Việt Nam; đại diện các tổ chức; các doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong nước và quốc tế.
Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.
Đại diện cho các nhà đầu tư giáo dục lớn tại Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) cho rằng: nhu cầu được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới của Việt Nam đang hết sức bức thiết. Đặc biệt là nhu cầu về một phân khúc giáo dục tiên tiến, hiện đại là rất lớn và ngày càng phát triển.
Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của NHG trong 21 năm qua, PGS.TS Thái Bá Cần cho biết, “Bằng việc đặt con người vào trung tâm đời sống, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) đã đầu tư với tất cả tâm huyết, tạo nên một hệ sinh thái giáo dục quốc tế hoàn chỉnh, từ mầm non đến đại học và sau đại học, bao gồm 60 cơ sở giáo dục, trải dài ở 24 tỉnh, thành phố với hơn 4.500 CBNV và hơn 65.000 học sinh – sinh viên. Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục cao cả, NHG mong muốn Được đồng hành cùng các nhà đầu tư tâm huyết khác ở trong và ngoài nước. Đồng thời, mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đất đai và cung cấp các dịch vụ hạ tầng tốt nhất cho việc thành lập các cơ sở giáo dục mới; được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý để những mô hình chưa có trong thực tiễn giáo dục Việt Nam, điển hình như Thành phố giáo dục quốc tế – International Eduacation City được áp dụng một cách nhanh nhất để mang đến cho thế hệ trẻ Việt Nam những sản phẩm giáo dục ngang tầm thế giới”.
Tại diễn đàn, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cũng đã ký kết Hợp tác trao đổi sinh viên và giáo viên toàn cầu, trao đổi thực tập sinh với Tập đoàn giáo dục Edunation, Phần Lan. Đồng thời, Triển lãm và giới thiệu các thành tựu, chương trình đào tạo tiên tiến của 10 thương hiệu giáo dục thành viên, bao gồm: Hệ thống Trường mầm non Quốc tế Saigon Academy (SGA); Hệ thống Trường Hội nhập Quốc tế iSchool (iSchool); Hệ thống Trường Quốc tế Song ngữ Học viện Anh quốc (UKA); Hệ thống Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA); Viện Hợp tác quốc tế và Du học iStudent (iStudent); Trường Đại học Gia Định (GDU); Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu (BVU); Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU); Trường Đại học Hoa Sen (HSU); Thành phố Giáo dục Quốc tế – IEC Quảng Ngãi.
Báo cáo về việc hợp tác đầu tư trong giáo dục thời gian qua, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GDĐT) cho biết, trong năm 2019 – 2020, số lượng học sinh tại các trường mầm non là khoảng 4,9 triệu người, tại các trường trung học phổ thông là 16,9 triệu người, và các trường cao hơn là 1,7 triệu người. Trong khi đó, hiện nay có tổng số 452 chương trình quốc tế tại Việt Nam, trong đó, có 70 cơ sở Đại học có các chương trình quốc tế. Qua đó, ông Hưng nhận định rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đầu tư cho giáo dục.
Như Ý